Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự 2005), Phạt vi phạm được coi là một biện pháp xử lý đối với việc thực hiện không đúng Hợp đồng đã ký giữa các bên. Phạt vi phạm có vai trò hướng các bên đến việc thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung của Hợp đồng đã ký.
I. Mức phạt được tính thế nào?
– Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 422, Khoản 2), mức phạt do vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tức là, pháp luật không giới hạn mức phạt tối đa hay tối thiểu mà các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận về mức phạt vi phạm.
– Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 418, Khoản 2) cũng quy định rằng, pháp luật không giới hạn mức phạt tối đa hay tối thiểu mà các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận về mức phạt vi phạm. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 có bổ sung thêm một phần nữa, đó là “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” – Phần này được bổ sung thêm vì hiện nay vẫn có những quy định của Luật Xây dựng hay Luật Thương mại về mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa, vì vậy, các bên không được thỏa thuận về mức phạt vi phạm tối đa nay trong những hợp đồng thuộc các lĩnh vực này.
II. Đã Phạt vi phạm thì có được quyền yêu cầu phải Bồi thường thiệt hại hay không?
– Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 422, Khoản 3) quy định theo hướng: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm chỉ phải chịu phạt mà không phải bồi thường thiệt hại; hoặc, vừa chịu phạt vừa bồi thường thiệt hại; nếu, không thỏa thuận trước về mức bồi thường thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu, không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.
– Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 418, Khoản 3) quy định rõ ràng, mạch lạc hơn và có khác đi: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm chỉ phải chịu phạt mà không phải bồi thường thiệt hại; hoặc, vừa chịu phạt vừa bồi thường thiệt hại; nếu, các bên không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm. Còn trách nhiệm về bồi thường thiệt hại được quy định riêng tại Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật Dân sự 2015.