Đối tượng, điều kiện hưởng chính sách Nhà nước theo Quyết định số: 1719/QĐ-ttg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Đối với đất rừng phòng hộ)

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước;…

Bài viết này tập trung khai thác các đối tượng sử dụng, quản lý đối với rừng phòng hộ thuộc khu vực địa bàn xã dân tộc thiểu số, miền núi có thuộc đối tượng được hưởng chính sách Nhà nước theo Quyết định 1719/QĐ-TTg? Điều kiện để được hưởng các khoản hỗ trợ từ Chương trình này?

1. Khái quát về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025

Chương trình được thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó, đối tượng thụ hưởng là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2021 đến hết năm 2025, Chương trình sẽ triển khai 10 dự án, trong đó các hỗ trợ của Nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư trong sản xuất và phát triển lâm nghiệp được thực hiện tại Dự án 03: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị với hai tiểu dự án:

  • Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân
  • Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Các đối tượng sử dụng, quản lý đối với rừng phòng hộ thuộc khu vực địa bàn xã dân tộc thiểu số, miền núi nằm trong diện được hưởng hỗ trợ của Nhà nước thuộc Tiểu dự án 1 nhằm duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

2. Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

2.1 Các khoản hỗ trợ

(1) Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý;

(2) Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình;

(3) Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung;

(4) Đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;

(5) Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan;

(6) Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

Các khoản hỗ trợ theo Chương trình này đối với rừng phòng hộ bao gồm các khoản được quy định tại (1), (2), (3), (5), (6)

2.2. Đối tượng được hưởng

+ Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III (Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng;

+ Cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.

Tùy từng khoản hỗ trợ của dự án mà đối tượng hưởng cũng được quy định cụ thể được trình bày ở phần 3 của bài viết này.

3. Điều kiện hưởng các khoản hỗ trợ theo Tiểu dự án 1

Căn cứ pháp lý:

  • Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020
  • Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP

3.1. Khoản hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (Điều 3 Nghị dịnh 75/2015, Điều 4 Thông tư liên tịch số 93/2016)

a/ Đối tượng rừng

Diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng và Ban quản lý rừng phòng hộ; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được Nhà nước giao cho công ty lâm nghiệp quản lý; diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) quản lý.

b/ Đối tượng được nhận hỗ trợ

– Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có Điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là hộ gia đình) được nhận khoán bảo vệ rừng.
– Cộng đồng dân cư thôn tại các xã có Điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là cộng đồng dân cư thôn) được nhận khoán bảo vệ rừng.

c/ Phương thức khoán bảo vệ rừng

Thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 4545/BNN-TCLN ngày 23/12/2013 về việc khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Thời gian hợp đồng là hàng năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, 5 năm; cụ thể:
– Bên giao khoán bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, công ty lâm nghiệp, UBND cấp xã.
– Bên nhận khoán bao gồm: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn.
– Hàng năm, bên giao khoán có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng đối với bên nhận khoán theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN; Quyết định số 59/2007/QĐ-BNN sửa đổi, bổ sung một số Điều Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN và các quy định, hướng dẫn hiện hành.
Kết quả nghiệm thu hàng năm là căn cứ để bên giao khoán thanh toán, quyết toán kinh phí.

3.2. Khoản hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung (Điều 4 Nghị định 75/2015, Điều 5 Thông tư liên tịch số 93/2016)

a/ Đối tượng rừng

– Bảo vệ rừng: Rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
– Khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: Diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất, thuộc đối tượng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đáp ứng các tiêu chí theo Quy phạm kỹ thuật QPN 21-98 ban hành kèm theo Quyết định số 175/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/11/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b/ Đối tượng được nhận hỗ trợ

– Hỗ trợ bảo vệ rừng: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn thực hiện bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
– Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: Hộ gia đình thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
(Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi / Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Điều 54 Luật Đất đai, tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy )

c/ Đáp ứng điều kiện

– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền;
– Thực hiện bảo vệ rừng được giao theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đối với trường hợp nhận hỗ trợ bảo vệ rừng; thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung theo đúng thiết kế, dự toán được duyệt đối với trường hợp nhận hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung. Cơ quan phê duyệt thiết kế, dự toán ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định;
– Được UBND cấp xã nghiệm thu kết quả bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung.

3.3. Khoản hỗ trợ trồng rừng phòng hộ (Điều 6 Nghị định 75/2015)

a/ Đối tượng nhận hỗ trợ

Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi

b/ Đối tượng rừng

Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trồng rừng phòng hộ do Nhà nước giao

3.3. Trợ cấp gạo (Điều 7 Nghị định 75/2015, Điều 6 Thông tư liên tịch số 93/2016)

a/ Đối tượng trợ cấp

Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực.
b/ Điều kiện trợ cấp

– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.
– Thực hiện trồng rừng theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, hàng năm được cấp thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *