Quy định pháp luật về Hủy thầu

Pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ về quy trình để thực hiện việc đấu thầu cũng như hủy thầu, để tránh gây hoang mang cho các nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, không ít nhà thầu, độc giả thắc mắc về các trường hợp được phép hủy thầu, trách nhiệm khi hủy thầu… theo quy định của pháp luật. Để giải đáp vấn đề này, bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin quy định pháp luật về hủy thầu để bạn đọc nắm rõ hơn.

1. Căn cứ pháp lý

  • – Luật Đấu thầu 2013;
  • – Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
  • – Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

2. Nội dung

2.1. Hủy thầu

Hủy thầu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Khoản 10 Điều 74 và Điểm e Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu 2013.

Chủ thể có thẩm quyền hủy thầu: người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu

  • Người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án;
  • Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm: Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn; Đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên; Đơn vị mua sắm tập trung; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức trực thuộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn.

2.2. Trường hợp hủy thầu

Theo quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu, các trường hợp hủy thầu bao gồm:

  • (i) Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
  • (ii) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
  • (iii) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
  • (iv) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Thẩm quyền ra quyết định hủy thầu, cụ thể:

  • – Người có thẩm quyền có quyền hủy thầu thuộc các trường hợp (ii), (iii), (iv) và (i) – trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư
  • – Chủ đầu tư và bên mời thầu có quyền hủy thầu thuộc các trường hợp (i)

2.3. Thủ tục hủy thầu

Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP trường hợp hủy thầu do các nhà thầu tham dự không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu.

Việc hủy thầu phải được thông báo lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia Căn cứ theo Điều 8 Luật đấu thầu 2013, để tất cả các nhà thầu điều biết thông tin về gói thầu, nguyên nhân hủy thầu và chủ thể thực hiện việc hủy thầu là ai, như vậy đã đúng theo quy định pháp luật chưa.

Như vậy, khi hủy thầu, chủ đầu tư cần thực hiện việc thông báo tới các nhà đầu tư tham gia dự thầu và nêu rõ lý do theo quy định đồng thời thực hiện việc đăng tải thông tin về việc hủy thầu và nêu rõ lý do trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc ít nhất 1 kỳ đăng tải trên Báo đầu thầu.

2.4. Trách nhiệm khi hủy thầu

Điều 18 Luật đấu thầu năm 2013 quy định trách nhiệm khi hủy thầu như sau: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu trong trường hợp sau đây phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật:

  • – Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
  • – Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Lưu ý, trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu giữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *