Công trình xây dựng khẩn cấp là công trình xây dựng đặc thù, được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu kịp thời hoặc nhiệm vụ cấp bách của các cấp có thẩm quyền. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về xây dựng công trình khẩn cấp? Nội dung này sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xây dựng 2014 sửa đổi bổ sung 2020;
– Luật Đầu tư công 2019;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
2. Khái quát về Công trình xây dựng khẩn cấp
Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.
Không giống các công trình xây dựng thông thường, công trình xây dựng khẩn cấp là công trình xây dựng đặc thù nên pháp luật hiện hành còn có các quy định riêng biệt về việc xây dựng công trình này bên cạnh các quy định về xây dựng công trình nói chung.
Căn cứ tại Khoản 1, Điều 130, Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi tại Khoản 48, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, công trình xây dựng khẩn cấp gồm:
- • Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
- • Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thẩm quyền quyết định việc xây dựng công trình khẩn
Căn cứ tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 130, Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi tại Khoản 48, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020
3.1. Chủ thể có thẩm quyền quyết định xây dựng công trình khẩn cấp
Chủ thể có thẩm quyền quyết định việc xây dựng công trình khẩn cấp thuộc phạm vi quản lý bằng lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, bao gồm:
- • Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương;
- • Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Công trình sử dụng vốn đầu tư công là công trình sử dụng các nguồn vốn bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định tại Điều 42, Luật Đầu tư công năm 2019, cụ thể:
- • Giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị chức năng tổ chức khảo sát, lập báo cáo đề xuất dự án;
- • Giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công hoặc đơn vị có chức năng thẩm định dự án;
- • Chỉ đạo cơ quan đơn vị quy định tại điểm a khoản 1, Điều 42 Luật Đầu tư công năm 2019 hoàn chỉnh báo cáo đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
3.2. Chủ thể có thẩm quyền quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm:
- • Giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp;
- • Quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng;
- • Quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
4. Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp
Về hình thức: Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp được thể hiện bằng văn bản
Về nội dung: Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp bao gồm các nội dung sau:
- • Mục đích xây dựng;
- • Địa điểm xây dựng;
- • Người được giao quản lý;
- • Thực hiện xây dựng công trình;
- • Thời gian xây dựng công trình;
- • Dự kiến chi phí và nguồn lực thực hiện;
- • Các yêu cầu cần thiếu khác có liên quan.
5. Trách nhiệm sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp
Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công trình khẩn cấp phải thực hiện các công việc sau:
- • Kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình;
- • Hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- • Quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người được giao quản lý sử dụng công trình phải lập kế hoạch quản lý sử dụng công trình hoặc phá dỡ công trình để hoàn trả lại mặt bằng nếu công trình xây dựng khẩn cấp không phù hợp với quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.
5.1. Hồ sơ hoàn thành công trình trong trường hợp xây dựng công trình khẩn
- • Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp;
- • Các tài liệu khảo sát xây dựng (nếu có);
- • Thiết kế điển hình hoặc thiết kế bản vẽ thi công (nếu có);
- • Nhật ký thi công xây dựng công trình và các hình ảnh ghi nhận quá trình thi công xây dựng công trình (nếu có);
- • Các biên bản nghiệm thu, kết quả thí nghiệm, quan trắc, đo đạc (nếu có);
- • Hồ sơ quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng (nếu có);
- • Bản vẽ hoàn công;
- • Phụ lục các tồn tại cần sửa chữa, khắc phục (nếu có) sau khi đưa công trình xây dựng vào sử dụng;
- • Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan;
- • Các căn cứ, cơ sở để xác định khối lượng công việc hoàn thành và các hồ sơ, văn bản, tài liệu khác có liên quan hoạt động đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp.
5.2. Các quy định về việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công
Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về quản lý, thanh toán, quyết toán đối với dự án khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công.
Cụ thể, Khoản 11, Điều 1, Thông tư 52/2018/TT-BTC ngày 24/05/2018 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
a. Tạm ứng vốn
Mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng thực hiện theo quy định như đối với vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Hồ sơ tạm ứng vốn bao gồm:
- • Lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền hoặc văn bản cho phép triển khai công trình, dự án theo lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền;
- • Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của công trình khẩn cấp hoặc công trình tạm của người có thẩm quyền;
- • Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;
- • Chứng từ chuyển tiền;
- • Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu (đối với trường hợp yêu cầu phải có bảo lãnh tạm ứng vốn theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính.
b. Thanh toán khối lượng hoàn thành
Việc thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện theo quy định như đối với vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.