Gói thầu mua sắm thường xuyên không quá 100 triệu đồng có được áp dụng chỉ định thầu?

Mua sắm thường xuyên là việc các cơ quan, đơn vị khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên. Vậy mua sắm thường xuyên gồm những nội dung nào? Có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng?

1. Khái niệm

Chỉ định thầu là một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu thông qua việc bên mời thầu xác định cụ thể một nhà thầu để tham gia đấu thầu và thực hiện hợp đồng nên gần như không có kiến nghị đấu thầu, sai sót khi tổ chức lựa chọn nhà thầu do thủ tục đơn giản, hoàn toàn không có sự cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Chỉ định thầu rút gọn là một hình thức lựa chọn nhà thầu để thực hiện những gói thầu về mua sắm hàng hóa hoặc thực hiện việc thi công trong trường hợp bất khả kháng liên quan đến những vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, hoặc các gói thầu là bí mật quốc gia, gói thầu khoa học mang tính bí mật hoặc gói thầu tư vấn đặc biệt

Mua sắm thường xuyên bao gồm: Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Mua sắm vật tư, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên; Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy; May sắm trang phục ngành (gồm cả mua sắm vật liệu và công may); Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có); Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ; Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; dịch vụ thuê trụ sở làm việc và hàng hóa khác; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định và các dịch vụ khác; Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn trong mua sắm khác; Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có); Các loại hàng hóa, dịch vụ khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2. Các trường hợp chỉ định thầu và hạn mức chỉ định thầu

2.1. Trường hợp chỉ định thầu

Tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 quy định về các trường hợp nhà đầu tư được áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, bao gồm:

  • – Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
  • – Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
  • – Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
  • – Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;
  • – Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;
  • – Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

2.2. Hạn mức chỉ định thầu

Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu như sau:

  • – Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
  • – Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Như vậy, gói thầu mua sắm thường xuyên không quá 100 triệu đồng là gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng hình thức chỉ định thầu

3. Điều kiện và quy trình chỉ định thầu

3.1. Điều kiện thực hiện chỉ định thầu

Đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng), việc thực hiện chỉ định thầu phải đáp ứng điều kiện (Khoản 3 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC):

  • – Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
  • – Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày.

3.2. Quy trình chỉ định thầu

Gói thầu mua sắm thường xuyên không quá 100 triệu đồng là gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu trong hạn mức theo quy định tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại khoản 2, Điều 56, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cụ thể:

  • (1) Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác.
  • (2) Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.
  • (3) Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *